Một DN Việt có diện tích trưng bày lớn nhất ở Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2024: Sản phẩm có gì đặc biệt?

Diện tích trưng bày của tập đoàn này lên đến 2.600m2, với 80 sản phẩm.

Tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 (từ ngày 19 – 22/12), Tập đoàn công nghiệp – Viễn thông Quân đội ( Viettel ) trưng bày trên 80 sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, bao gồm: Radar, khí tài quang-điện tử, tác chiến điện tử, thông tin quân sự, huấn luyện mô phỏng, chỉ huy điều khiển, UAV, khí tài hàng không vũ trụ, tác chiến không gian mạng, an ninh mạng và nhóm sản phẩm khác. Ngoài ra, Viettel còn trưng bày gần 30 sản phẩm công nghệ thuộc lĩnh vực dân sự.

Viettel cũng là đơn vị có diện tích trưng bày lớn nhất ở triển lãm, với tổng diện tích là 2.600 m2. Đặc biệt, tại gian trưng bày ngoài trời ở Triển lãm, một trong những sản phẩm đáng chú ý nhất do Viettel mang tới trưng bày chính là bộ khí tài giúp tự động hóa hoạt động của các đơn vị pháo phòng không 57 mm.

- Ảnh 1.

Các thành phần của tổ hợp VPK-57 do Tập đoàn Viettel nghiên cứu và phát triển.

Điểm đặc biệt của tổ hợp này chính là sự tích hợp của hệ thống phát hiện dẫn bắn bằng radar và quang điện tử nhằm tăng hiệu quả tác chiến tổng thể của tổ hợp pháo 57 mm (với tên gọi là VPK-57 ). Đây được đánh giá là một cải tiến giúp nâng cao hiệu quả tác chiến của loại pháo phòng không trên trong môi trường tác chiến hiện đại.

VPK-57 được thiết kế bảo vệ các mục tiêu khỏi các đối tượng tấn công đường không, nhất là các mục tiêu bay thấp như thiết bị bay không người lái (UAV). Các thành phần của tổ hợp này do Viettel nghiên cứu và phát triển. Hệ thống VPK-57 có thể chuyển đổi từ tác chiến tự động sang chiến đấu thủ công với kíp xạ thủ thông thường trong trường hợp cần thiết.

- Ảnh 3.

Cụm khí tài điện tử của Viettel giúp nâng cao hiệu quả tác chiến của loại pháo phòng không trên trong môi trường tác chiến hiện đại.

Trong tác chiến phòng không, loại pháo 57 mm có tầm bắn hiệu quả 4.300m. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của bộ khí tài mới, tầm bắn và tốc độ phản ứng chuyển trạng thái của vũ khí phòng không này cũng được tăng lên đáng kể.

- Ảnh 4.

Các thành phần của hệ thống khí tài do Viettel làm ra đều được đặt trên khung gầm xe đặc chủng, nên có khả năng cơ động cao trên mọi địa hình.

Viettel mang gì tới Triển lãm quốc tế?

- Ảnh 5.

Viettel hiện được coi là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, không chỉ trong ngành viễn thông mà còn ở lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và quốc phòng.

Tại gian hàng trưng bày các sản phẩm kinh tế quốc phòng trong Triển lãm lần này, Viettel đem đến các hệ sinh thái sản phẩm công nghiệp 4.0 Viettel đang tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số tại Việt Nam và các thị trường Viettel đầu tư. Cụ thể, gian hàng trưng bày 6 nhóm giải pháp, bao gồm: Hệ sinh thái 5G, hạ tầng logistics Viettel, nhà máy thông minh, năng lượng xanh, thành phố thông minh và các giải pháp thông minh cho người dân.

Ngoài ra, Viettel còn giới thiệu một số sản phẩm lưỡng dụng sử dụng công nghệ hiện đại, có tính dẫn dắt thị trường, cạnh tranh quốc tế. Trong đó, có công nghệ beam-forming ứng dụng trong cả radar và thiết bị 5G để tạo ra tín hiệu truyền phát mạnh hơn và chính xác hơn; Công nghệ thị giác máy tính ứng dụng trong UAV và nhà máy thông minh; Xử lý dữ liệu lớn ứng dụng trong chỉ huy điều khiển và điều hành thành phố thông minh; Thực tế ảo (AR/VR) ứng dụng trong mô hình huấn luyện và mô hình đào tạo lái xe, ứng dụng giải trí số...

Dưới đây là một số sản phẩm chính được Viettel mang tới Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024.

UAV

UAV trinh sát của Viettel có thời gian bay lên đến 6h, cự ly hoạt động lên tới 70km, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để trinh sát, chỉ thị mục tiêu.

UAV tấn công cảm tử sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong tìm kiếm, tấn công mục tiêu.

UAV đa năng có thể bay được liên tục hơn 12h, cự ly hoạt động hơn 1.000km và trang bị kèm theo các loại vũ khí tấn công chính xác cao.

- Ảnh 7.

Các sản phẩm máy bay không người lái (UAV) của Viettel được giới thiệu tại Triển lãm.

Tác chiến điện tử

Các khí tài tác chiến điện tử cả trong 3 lĩnh vực, bao gồm: Trinh sát điện tử, tấn công điện tử và bảo vệ điện tử, bao phủ từ cấp chiến thuật, chiến dịch và chiến lược, theo công nghệ mới nhất: Công nghệ tác chiến điện tử có nhận thức trên nền AI và được các kỹ sư Viettel làm chủ từ phần cứng, phần mềm và thuật toán.

Thông tin quân sự

Tập đoàn Viettel đã làm chủ các công nghệ lõi như:SDR; trí tuệ nhân tạo, các công nghệ truyền tin thích nghi băng rộng tốc độ cao; truyền tin cự ly xa, công nghệ cognitive radio, thu phát đa kênh…

Quang điện tử

Các sản phẩm của Viettel có khả năng trinh sát, cảnh giới và giám sát vượt trội trong mọi điều kiện ngày/đêm với các cảm biến quang điện tử đa kênh độ phân giải cao cùng công nghệ xử lý hình ảnh được tăng cường AI…

Theo Nhịp sống thị trường